Bí mật kỳ diệu của mật ong tự nhiên

Chúng ta đã biết đến những tác dụng trị bệnh hiệu quả của mật ong và những bài thuốc dân gian có sử dụng mật ong trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, những nghiên cứu khoa học tại nhiều viện nghiên cứu trên thế giới đã phát hiện ra những tác dụng kỳ diệu khác của mật ong tự nhiên. Một trong những tác dụng hữu ích đó là khả năng kháng khuẩn.

Tại Viện Nghiên cứu thực vật học quốc gia xứ Wales - Anh quốc, GS. Les Baillie - chuyên gia sinh vật học Trường đại học Cardiff và nhóm nghiên cứu của ông đã tìm ra bí mật kháng khuẩn của mật ong tự nhiên.
 Trong mật ong tự nhiên có chứa thành phần chống lại loại khuẩn kháng kháng sinh.

Đó là khả năng kháng khuẩn tự nhiên và rất tốt cho hệ miễn dịch của con người, bởi nó là quá trình tổng hợp các chất tự nhiên có trong các loại thức ăn từ cây và hoa mà loài ong ưa thích. Khả năng này không có chứa trong các loại mật ong do nuôi công nghiệp, mà chỉ được phát hiện thấy ở loài ong sống trong môi trường tự nhiên.

Phát hiện này giúp mở ra hướng đi mới trong việc điều trị nhiễm khuẩn ở người bệnh. Trong khi các loại thuốc kháng sinh gây nhiều tác dụng phụ và đang dần trở nên mất tác dụng đối với nhiều loại khuẩn kháng thuốc, những nghiên cứu về các phương pháp chống nhiễm khuẩn mới được giới khoa học đánh giá cao và hứa hẹn mang lại hiệu quả cho con người.

Trong số các thành phần của nhiều loại mật ong tự nhiên, các nhà khoa học Trường đại học Y dược Welsh phát hiện ra một thành phần có khả năng chống lại loại khuẩn kháng thuốc kháng sinh có tên gọi MRSA và khuẩn clostridium. Khi đưa một ít mật ong vào một chiếc đĩa thí nghiệm có chứa các loại khuẩn này và quan sát dưới kính hiển vi, các nhà khoa học phát hiện thấy những vi khuẩn này bị tiêu diệt với tỉ lệ cao bởi hoạt tính kháng khuẩn có trong một số thành phần của mật ong. Hiện các nhà khoa học đã xác định được một trong những thành phần kháng khuẩn này có liên quan đến hoá chất có tên khoa học là Phytochemical.

 Siêu vi trùng MRSA.

Ngoài ra, thí nghiệm còn giúp các nhà khoa học hướng đến một phát hiện mới. Trong quá trình tìm hiểu vì sao thành phần của mật ong lại có tác dụng kháng khuẩn này, một số giả thuyết đã được đặt ra, trong đó các nhà khoa học chú ý nhiều tới loại thức ăn mà những con ong đã ăn. Đó có thể là một loại thực vật nào đó có chứa chất kháng khuẩn kỳ diệu mà cơ thể ong đã hấp thụ được. Việc tìm ra loại thực vật này trong số hơn 1.143 loài thực vật và hoa mà loài ong ưa thích sẽ giúp các nhà khoa học trong việc chiết xuất chất kháng khuẩn trực tiếp từ cây thay vì chỉ tách từ mật ong. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi để tìm ra loại thực vật mang lại chất kháng khuẩn kỳ diệu đó, mật ong tự nhiên vẫn là lựa chọn tốt cho người bệnh.

Thêm một hướng ứng dụng mới khi nghiên cứu về mật ong tự nhiên, đó là khả năng kháng bệnh của ong trong môi trường tự nhiên là rất cao. Các nhà khoa học luôn tự hỏi: Điều gì đã giúp những con ong vượt qua được những dịch bệnh rất khủng khiếp từng là nỗi đe dọa đối với số lượng đàn ong trong thế giới hoang dã như dịch bệnh do khuẩn Varroa mite (từng gây chết rất nhiều ong ở Anh) hay các dịch bệnh lây lan mạnh trong các đàn ong ở châu Mỹ khiến hạn chế nhiều về số lượng ong trên thế giới.
 
Và cuối cùng, các nhà khoa học đã tìm ra câu trả lời, đó là nhờ vào chất kháng khuẩn và sức đề kháng mạnh mẽ của những chú ong. Trải qua hàng nghìn năm, loài ong hút mật các loài hoa trong tự nhiên và cơ thể chúng đã ngấm được những chất dược liệu tuyệt vời từ nhiều loài thực vật. Ngày nay, có thể những loài thực vật này có thể không còn nữa, song qua nhiều thế hệ, cơ thể của loài ong đã được di truyền lại những kháng thể đối với bệnh tật.

 

Vi khuẩn Clostridiumdifficile.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh trên khoảng một nửa số loại hoa và thực vật sống tại xứ Wale mà các loài ong yêu thích, đồng thời lấy các mẫu mật ong từ những tổ ong vào các thời điểm khác nhau trong năm. Vài tuần sau đó, các nhà khoa học tiến hành việc phân tích sự sao chép DNA ở những con ong mà trước đó họ đã tiến hành phân tích mẫu mật. Những thông tin thu được từ các công việc này sẽ cho phép các nhà khoa học xác định liệu loại thức ăn từ phấn hoa hay loài thực vật nào sẽ có tác động ra sao đến DNA của loài ong.
Tại Học viện Wales, nhóm các nhà vi sinh vật của GS. Rose Cooper đã tập trung nghiên cứu về tác động của mật ong gốc bản địa ở xứ Wale có tên gọi là mật ong manuka, một số loại mật ong của Anh và mật ong nhập ngoại khác. Nhóm khoa học đã phát hiện ra rằng: 10 trong số 18 loại mật ong (phần lớn là mật ong nhập ngoại) đã được lấy mẫu kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu kháng khuẩn như tính chất của mật ong bản địa.
 
Nguyên nhân là bởi những con ong bản địa đã hấp thụ được những thành phần hoá chất từ những loài thực vật, hoa bản địa có tính chất đặc trưng riêng. Một trong số những thành phần khoa học đặc trưng riêng đã được xác định từ năm 1950, có tên khoa học là galantamine - một thành phần quan trọng có tác dụng chữa trị bệnh suy giảm trí nhớ - Alzheimer chiết xuất từ cây hoa thủy tiên vàng.

theo suckhoedoisong

Liên hệ :nvsanguss@gmail.com -Điện thoại: 0936398281

Chuyên cung cấp mật ong rừng,mật ong nhãn,mật ong nguyên chất,mật ong bạc hà, mật ong nguyên sáp