Huyện Lục Ngạn từ lâu đã nổi tiếng với đặc sản vải thiều, toàn huyện có đến hơn 22 nghìn ha cây ăn quả các loại, trong đó vải thiều chiếm 18.500ha. Năm nay, hầu hết các loại cây ăn quả ở Lục Ngạn như vải thiều, nhãn, xoài, bưởi... đều ra hoa rất sai, riêng vải thiều tỷ lệ ra hoa đạt đến 90%. Hoa vải thiều chứa nhiều mật và mật ong vải thiều có màu óng vàng, thơm ngon bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng nên có giá trị kinh tế cao. Theo ước tính của Phòng NN&PTNT huyện, vụ vải thiều năm trước, tuy hoa vải thiều của huyện chỉ ra đạt tỷ lệ 60%, nhưng sản lượng mật ong khai thác được đã đạt khoảng 540 tấn, trị giá trên 160 tỷ đồng.
Bắc Giang là một trong những tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn của nước ta và đặc biệt là có diện tích cây vải lớn nhất toàn quốc. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, hiện nay thì cây vải thiều có diện tích trên 40.000 ha, chiếm hơn 80% tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh. Cây ăn quả được phát triển ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Lục Ngạn 21.980 ha, Lục Nam 9330 ha, Yên Thế 7209 ha, Tân Yên 3142 ha...
Vải thiều được trồng phổ biến trên đất Bắc Giang nhưng tập trung và chất lượng nổi bật là vải thiều của huyện Lục Ngạn. Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày là những đặc trưng riêng của vải thiều Lục Ngạn.
Hàng năm tỉnh cung cấp cho thị trường sản lượng vải lên đến hàng trăm tấn. Năm 2004 sản lượng toàn tỉnh đạt 75.000 tấn quả tươi và năm 2005 là gần 100.000 tấn quả tươi. Năm 2006, do nắng hạn kéo dài, nhiều diện tích vải đang bị thiếu nước cũng ảnh hưởng đến kết quả vụ thu hoạch này. Vải thiều trên địa bàn được coi là mất mùa với sản lượng của toàn tỉnh ước đạt khoảng 104.000 tấn. Năm nay, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh tiến hành thu hoạch vải sớm và việc tiêu thụ khá thuận lợi, lại được giá và dự báo việc tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn được giữ vững, chủ yếu tại các thành phố lớn và các tỉnh phía Nam, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vải xuất khẩu chủ yếu vẫn là sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và chủ yếu do các tư thương thực hiện. Ngoài lượng vải tươi tiêu thụ ngay chiếm khoảng 50% tổng sản lượng, số vải còn lại được chế biến sấy khô là chủ yếu