Nghề săn ong rừng có thu nhập cao cho nhưng cũng rất nguy hiểm, để kiếm được một tổ ong cánh thợ săn phải lùng sục khắp các cánh rừng. Thế nhưng gần đây một số người làm nghề săn ong rừng ở Phú Yên lại giở chiêu “treo đầu dê bán thịt chó”.
Những ngày qua, dưới chân đèo Quán Cau dọc quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã An Hiệp huyện Tuy An (Phú Yên), nhiều người bán tổ ong ruồi đủ loại kích cỡ, đường kính từ 20 đến 60 cm. Giá mỗi tổ ong nhỏ thường được bán với giá khoảng 80.000 đến 100.000 đồng, loại lớn hơn từ 200-300 ngàn đồng/tổ. Thấy bày bán ong ruồi, loại mật ong quý hiếm, nhiều người đi đường kể cả xe đường dài biển số Hà Nội, Đà Nẵng ghé lại mua, giá ong ruồi.
Theo ông Trần Văn Sang, một người bán ong ruồi ở đây cho hay: “Chưa bao giờ tôi thấy năm nào ong ruồi xuất hiện nhiều như năm nay. Ngay các khu vực rừng cạnh khu dân cư thuộc đèo Quán Cau ong ruồi xuất hiện rất nhiều, có người mỗi ngày bắt 2- 3 tổ, dùng không hết nên đem bán”.
Tại các cánh rừng ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), ong ruồi xuất hiện nhiều đến nỗi nhiều người bất ngờ. Ông Nguyễn Ngọc Tân, ở xã Xuân Quang 3 cho biết, hôm rồi ông đi chăn bò ở khu vực Lỗ Da trước nhà, rảo trong đám cây bạch đàn bắt được 3 tổ ong ruồi, mỗi tổ có trái ké (nơi chứa mật) bằng bắp chân người lớn, vắt được cả lít mật.
Theo kinh nghiệm những người đi lấy ong rừng cho biết, sở dĩ ong ruồi xuất hiện gần nhà nhiều là do các khu rừng già trải dài từ xã Xuân Lãnh, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2 bị chặt hạ để trồng rừng, không còn chỗ nên ong tìm ra các khu rừng bạch đàn mới trồng gần xóm nhà đóng tổ.
Ong ruồi xuất hiện nhiều, nên gần đây nhiều người ở huyện Tuy An, TX Sông Cầu lên các cánh rừng huyện Đồng Xuân tìm bắt. Từng tốp 4- 5 người dàn hàng ngang đạp bừa lên đám gai rừng, cây bạch đàn bắt ong, trung bình mỗi mùa ong bắt gần 100 tổ. Anh Trần Ngọc Tiến, ở xã Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu) là người chuyên đi bắt ong rừng thổ lộ: “Năm ngoái tại cánh rừng Lỗ Chảo (thị trấn La Hai, Đồng Xuân), nhóm tôi bắt gần 50 tổ ong ruồi. Năm nay đi bắt các khu rừng lân cận cũng trúng khá đậm”.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tại nhiều địa phương khác thỉnh thoảng xuất hiện những người bán mật ong dạo, có cả người miền núi mang nguyên cả tổ ong tươi nguyên mật rỉ vàng lè. Thế nhưng, thực tế chỉ là bài cũ treo đầu dê, bán thịt chó. Tổ ong thì thật nhưng mật ong chỉ là hỗn hợp với mật đường.
Cẩn trọng với tổ ong ruồi bày bán dọc đường
Theo phản ánh của người dân, gần đây một số người mặc quần áo rách bươn tay xách thùng mật ong đi rao bán, họ bảo vừa đi rừng bắt ong về. Trong thùng mật ong có cả sáp ong ruồi, nhiều người thấy vậy liền đổ xô lại mua. Tuy nhiên khi mua về mới hay không phải là mật ong rừng giả.
Chị Trần Thị Thủy, ở xã Xuân Phước một trong những nạn nhân mua phải mật giả phân bua: "Hôm trước thấy một người đàn ông xách nửa thùng mật bán dạo với giá 80.000 đồng/lít, tôi và một số người xúm đến mua. Hôm sau đi xuống xã Xuân Quang 3 lại thấy người đó bán với chiêu “rao” vừa đi bắt ong trên rừng về, lại gần thấy nửa thùng mật như hôm trước. Tôi nghi đem mật mới mua đến người sành thì phát hiện ra đó không chỉ là mật ong nuôi mà mật còn pha đường".
Còn ông Tạ Ngọc Huệ, ở xã Xuân Quang 3 chia sẻ: “Cách đây vài năm tôi mua 1 lít ong rừng gần cả triệu bạc nhưng vừa mua tổ ong ruồi với giá 100.000 đồng. Thấy ong ruồi xuất hiện nhiều nên rẻ nhưng nghe bà con mua đồn ong giả tôi cũng chẳng biết thật hay giả”.
Ông Trần Văn Dũng, ở xã Xuân Phước cũng hành nghề đi bắt ong ruồi, sau một hồi xởi lởi thân thiện, mới cho hay: “Nhiều người bắt ong về dùng kim tiêm hút 2/3 lượng mật nguyên chất ở trái ké ra rồi bơm nước đường vào lấp chỗ trống. Mật nguyên chất hút ra tiếp tục đem pha trộn bán, còn tổ ong mới bắt về bán cũng có đường. Vì thế đừng thấy rẻ mà ham”.
Theo kinh nghiệm của ông Dũng và nhiều người sành mật ong, cách biết mật ong thật, giả là nhỏ giọt mật xuống ly nước lạnh, nếu là mật ong nguyên chất sánh lại không tan, còn mật pha đường thì hòa tan trong nước.