“Công nghệ” biến đường thành mật ong

Chỉ bằng những tiểu xảo đơn giản và không hề mất nhiều công sức, hỗn hợp đường, nước và phèn chua đã mau chóng đội lốt loại thực phẩm bổ dưỡng được nhiều khách hàng săn đón. Trong khi đó, các chuyên gia khuyến cáo, loại mật ong giả này có nhiều nguy hại đối với sức khỏe, gây rối loạn đường tiêu hóa.

 

Chỉ sau năm phút, một mẻ mật ong đã ra lò

Rắc sáp ong nghiền nhỏ để tăng niềm tin với khách hàng

Sản xuất mật ong trong… năm phút

Lượn một vòng quanh phố Lãn Ông (Hà Nội), mật ong được bày bán la liệt với đủ mức giá và chủng loại. Mật ong nuôi có giá từ 55.000 - 80.000đ/chai (loại 750ml). Mật ong rừng vốn được xem là đặc sản, quý hiếm cũng chỉ dao động từ 100.000 - 150.000đ/chai. Thế nhưng khi mua về, không ít khách hàng phàn nàn về chất lượng của loại “thần dược thiên nhiên” này. Chị Trần Thị Thanh Phương (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Chỉ sau vài lần sử dụng, mật ong bỗng dưng… mất mùi, khi uống chỉ toàn thấy vị đường ngọt khé cổ. Nhờ bạn bè kiểm tra mới té ngửa đây là mật giả”. Theo ông Nguyễn Văn Dĩnh, một người nuôi ong có hơn 30 năm trong nghề ở Quảng Châu (Hưng Yên), không ít loại mật ong trên thị trường là mật pha.

Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi được một người trong nghề kết nối với một hộ gia đình đã từng làm mật ong giả tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Theo lời người hướng dẫn, trước đây, người làm mật ong giả ở làng thường mang hàng xuống chợ huyện để bán, nhưng sau này bị phát hiện, họ tản đi tứ xứ, từ Hà Nội, Nghệ An đến TP.HCM… Mật ong giả có hình thức rất đẹp, màu sáng, trong dễ nhầm tưởng đó là loại mật hảo hạng.

Nhờ sự “bảo trợ” của người quen nên khi gặp, ông T. không ngần ngại chia sẻ về nghề “nấu mật ong” đã có mấy chục năm trong làng. Bản thân ông cũng từng trải qua một thời đèo mật giả đi bán dạo ở khắp các vùng của Thanh Hóa. Ông T. bảo, không có gì dễ như nấu mật giả, chỉ cần nói qua một lần, ai cũng có thể làm được.

Để chúng tôi có thể mục sở thị nghề “gia truyền” này, ông T. dẫn chúng tôi tới nhà người em họ tên M., một tay chuyên nấu mật giả trong làng. Nghi ngờ chúng tôi là “công an mật” nên ban đầu, M. tỏ ra khá dè dặt. Ông T. phải nói rằng chúng tôi là bà con xa, ông muốn truyền nghề nhưng nhà không có đủ nguyên liệu nên nhờ M. giúp đỡ. Bấy giờ, M. mới vui vẻ nhận lời. Chúng tôi ngỏ ý muốn làm sớm để kịp chuyến xe chiều, M. cười bảo: “Chỉ năm phút là có một mẻ rồi”. Nói đoạn, M. lấy chiếc nồi lớn, bỏ chừng 500ml nước giếng, vài hạt muối và gần lưng thìa bột trắng, đun sôi. Tiếp đó, M. đổ đường trắng vào nồi và quấy đều tay cho đến khi đường tan chảy hết. Sau khi đun sôi, hỗn hợp này sẽ tạo thành màu vàng nhạt, trông rất giống mật ong, sánh và trong. Nếu muốn mật có màu đậm hơn, có thể nấu chung đường trắng với đường mía hoặc pha nước nghệ. Tuy nhiên, M. bảo, nếu dùng hai cách này, mật ong sẽ bị “lộ mùi”. Để mật có màu đẹp như ý muốn mà không tạo ra mùi lạ, M. tiết lộ, chỉ cần đẽo một nắm vỏ cây nục nạc, một loại cây có quả dài như trái mướp, dễ dàng tìm thấy trong làng. Vỏ cây này được đem sao lên cho vàng theo nhu cầu tạo màu rồi đổ nước và đường để nấu.

Bí kíp quan trọng nhất mà nhiều người tò mò là làm sao để đường không bị kết tinh sau khi nấu. Ông T. rỉ tai chúng tôi, đó chính là thìa bột trắng được M. hòa vào ngay từ lúc đầu. Loại bột ấy là phèn chua. Sau khi hỗn hợp đường nước nguội, có thể lấy một chén mật thật có màu tương ứng đổ lên phía trên, tạo mùi thơm đặc trưng. Cuối cùng, M. lấy ra một gói sáp ong xin được từ một hộ nuôi ong trong vùng, dằm nhuyễn rồi rắc lên trên khiến khách hàng tin rằng, đây là loại mật được khai thác từ tự nhiên.

Với công thức này của M., mỗi 1kg đường sẽ nấu được hơn 1kg mật ong. Mật ong giả bán với giá 120.000 - 150.000đ/kg, trong khi giá trị thực chưa tới 25.000đ. Như vậy với mỗi 1kg mật giả, M. nghiễm nhiên thu về 100.000đ tiền lãi. M. cười: “Mỗi ngày túc tắc bán được 5kg là cũng hời to rồi”.

Chỉ sau năm phút, một mẻ mật ong đã ra lò

Hỗn hợp nước, đường, phèn chua sánh vàng như mật ong

Tác dụng ngược

Những người nấu mật ong giả vẫn thường cho rằng, mặt hàng họ tạo ra chỉ là đường, có giá thành chênh lệch chứ hoàn toàn không gây hại tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, PGS-TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn thực phẩm, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho hay, nếu khách hàng vô tình dùng phải loại mật ong giả sẽ nhận phải “tác dụng ngược”. Mật ong là loại thực phẩm bổ dưỡng. Mặc dù chứa tới 80% đường song trong mật ong chứa nhiều vitamin và khoáng chất nên không những không khiến người sử dụng bị tăng cân mà còn có tác dụng cân bằng hệ tiêu hóa. Trong khi đó, mật giả chỉ có đường đơn thuần nên không tốt cho người béo phì. Đặc biệt, việc sử dụng phèn chua sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Theo bà Sửu, phèn chua là muối sunfat nhôm sắt hay còn gọi là “muối kép”, được dùng để kết tủa cặn nước hoặc để sát trùng chứ không bao giờ đưa trực tiếp vào thực phẩm. “Việc sử dụng phèn chua sẽ gây hại cho sức khỏe. Hợp chất chứa sắt, nhôm khi vào cơ thể sẽ khiến cho chức năng dạ dày bị rối loạn và ảnh hưởng trực tiếp đến đường tiêu hóa, làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể”, bà Sửu phân tích.

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, ông Lâm Quang Vinh - Công ty Cổ phần Mật ong rừng U Minh cho biết, có một số cách đơn giản để phân biệt mật ong thật và mật ong giả. Cách thứ nhất là lấy hai muỗng cà phê mật ong cho vào ngăn đá tủ lạnh trong vòng hai-ba tiếng đồng hồ. Mật ong nguyên chất sẽ chỉ sánh lại, còn mật ong pha đường sẽ bị đóng đông ngay lập tức. Cách thứ hai là đổ mật ong vào lòng đỏ trứng gà, sau chừng một giờ đồng hồ, lòng đỏ trứng đóng một lớp màng cứng như bị chín thì đó là mật thật. Ngoài ra, còn có những cách thử mật ong không tốn nhiều thời gian như: nhỏ một giọt mật ong trên áo, mật chảy thành cục tròn và rớt xuống là mật ong thật, mật thấm vào vải nhanh là mật giả. Khách hàng cũng có thể sử dụng hành lá nhúng vào mật ong. Nếu là mật ong thật, chỉ sau một-hai phút lá hành sẽ bị héo.

Huyền Anh

Theo ông Trần Đình Luân - Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Cục đang triển khai chương trình cụ thể để rốt ráo kiểm tra mặt hàng mật ong trong tháng 11. Ông Luân cho hay, năm 2011, kết quả kiểm tra mặt hàng mật ong tại 24 cơ sở xuất khẩu, có sáu cơ sở đạt loại tốt, 12 cơ sở đạt loại khá và sáu cơ sở đạt loại trung bình. Trước đó, mật ong Việt Nam đã bị thị trường EU ngừng nhập khẩu bởi có chứa chất diệt nấm Carbendazim vượt mức cho phép. Năm 2012, 24 cơ sở trên đều đã đạt kết quả tốt song phía EU vẫn chưa có phản hồi cuối cùng vì mật ong Việt Nam chỉ được nhập khẩu lại khi được sự chấp thuận của tất cả các nước trong cộng đồng này.

theo phunuonline

Liên hệ :nvsanguss@gmail.com -Điện thoại: 0936398281

Chuyên cung cấp mật ong rừng,mật ong nhãn,mật ong nguyên chất,mật ong bạc hà, mật ong nguyên sáp