Tác dụng của mật ong bạc hà

Thu sang, trên các triền núi của vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang), cây bạc hà bắt đầu mọc. Những mầm cây non cứ lớn dần trong khí trời mát mẻ, cây lớn lên nhờ chất dinh dưỡng hợp với thổ nhưỡng nơi đây, những mảnh đất nhỏ xen kẽ các khe đá. Sang tháng 10, tháng 11 âm lịch, cây bạc hà bắt đầu ra hoa. Những bông hoa màu tim tím khiêm nhường có mùi thơm pha lẫn chút cay cay hăng hắc của bạc hà, lẫn vào những thảm cỏ, dệt thành những bức tranh màu sặc sỡ trên các triền núi cao. Khi hoa bạc hà nở rộ khắp núi rừng một màu tím biếc trong tiết trời lành lạnh cũng là lúc từng đàn ong đua nhau đi lấy mật. Người dân ở đây đã có cách làm ăn mới. Ấy là vào tháng 8, tháng 9 ta, khi cây bạc hà đang lớn, sắp trổ hoa thì người ta nuôi ong giữ giống, để khi hoa nở thì thả ong ra. 

Một nét Cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh: Xuân An.

Mật ong bạc hà thật quý bởi có tác dụng chữa họng và đường ruột rất tốt, lại tăng sức đề kháng cho cơ thể.  Chỉ cần mỗi buổi sáng dậy hoặc trước khi đi ngủ ngậm một thìa cà phê mật ong, ta thấy vị cay hắc của bạc hà, vị ngọt thơm của mật ong, cảm giác thật khoan khoái dễ chịu nhường nào. Mật ong được làm từ hoa bạc hà cũng là một trong những thứ mật ngon nhất, mật có màu xanh vàng, lấy mật vào giữa mùa hoa nở rộ thì mật càng xanh hơn. Ai uống một chút rượu có pha mật ong bạc hà cũng muốn uống thêm chén nữa bởi cái vị ngọt êm dịu vô cùng quyến rũ...

Cây bạc hà không chỉ ra hoa cho ong hút mật để làm ra thứ mật ong bạc hà nổi tiếng, mà nó còn được những người phụ nữ vùng cao lấy cây đun nước tắm, gội rất tốt.

Cứ mỗi độ thu-đông về, tôi lại nhớ những thảm hoa bạc hà trên các triền núi cao Mèo Vạc với hình ảnh từng đàn ong cần mẫn lấy mật để cho đời một chất liệu quý hiếm, cũng như những người dân nơi đây ngày đêm cần cù với nương rẫy bên những núi đá tai mèo để xây dựng và bảo vệ quê hương.

theo qdnd